Tôn giáo tín ngưỡng Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai

Các tôn giáo truyền vào Việt Nam từ đầu công nguyên là Nho giáo, Phật giáoĐạo giáo.

Nho giáo

Từ thời Tây Hán, đạo Nho đã xâm nhập làm công cụ phục vụ cho sự cai trị của triều đình nhà Hán. Dần dần có những người Việt theo đường học vấn Nho giáo phục vụ cho chính quyền phương Bắc như Lý Tiến, Lý Cầm. Nhà Hán cho Lý Tiến trở lại Giao châu, không cho làm quan ở Trung nguyên vì "hay chê bai, bắt bẻ triều đình"[16].

Sang thời Tam quốc - Lục triều, loạn lạc nhiều, Nho giáo dần suy. Dù sau đó tiếp tục được truyền bá nhưng Nho giáo chưa bao giờ phát triển rực rỡ tại Giao châu[17].

Đạo giáo

Đạo giáo cũng được truyền từ Trung Quốc, tuy muộn hơn Nho giáo nhưng sâu rộng hơn. Thứ sử Giao châu Trương Tân là người chuộng Đạo giáo. Đạo giáo truyền vào Việt Nam thời kỳ này chỉ hạn chế ở tầng lớp trên trong xã hội và các quan lại đô hộ. Những hình tượng nguyên sơ của người Việt như Lạc Long Quân, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên Vương… đều dần dần bị Đạo giáo hóa và thần thánh hóa[18].

Đạo giáo phù thủy từ thế kỷ 2 được truyền vào Giao châu và hòa quyện với những đền miếu, tín ngưỡng dân gian cổ truyền.

Phật giáo

Phật giáo truyền vào Việt Nam theo hai con đường: từ Ấn Độ truyền bá vào Trung Quốc rồi từ đây sang Việt Nam và từ Ấn Độ qua con đường phía nam Đông Dương tới, được các nhà nghiên cứu xác định vào khoảng thế kỷ đầu Công nguyên[18].

Liên Lâu tại Giao châu chính là một trong 3 trung tâm Phật giáo thời Đông Hán cùng với Lạc Dương (kinh đô) và Bành Thành ở hạ lưu sông Trường Giang. Từ thế kỷ 2, Giao châu đã thành lập những tăng đoàn, dịch kinh Phật, xây dựng chùa và sáng tác sách nói về kinh Phật. Những kinh điển Phật giáo đầu tiên được phiên dịch tại Giao châu là Tứ thập nhị kinh và Lý hóa luận. Phật giáo có tinh thần hòa đồng với các tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác như Nho giáo và Đạo giáo[19].